BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

BÀI 4: PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH XUYÊN TẠC CHÍNH SÁCH DÂN TỘC CỦA VIỆT NAM

 

 4 Tháng Tư, 2024

Mặc dù các quyền con người là tự nhiên, vốn có nhưng về đối nội, để các quyền đó được hiện thực hoá thì cần có vai trò của Nhà nước. Về đối ngoại, Việt Nam nhận thức rõ việc đảm bảo các quyền cho người dân tộc thiểu số (DTTS) chính là biểu hiện cao nhất của việc thực thi Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1982.

Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp mặt các già làng, trưởng bản, người có uy tín tiêu biểu toàn quốc (ngày 21/12/2018) – ảnh: TTXVN

Tích cực thể chế hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến dân tộc

Thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người, Việt Nam đã tích cực nội luật hoá các quy định, nguyên tắc về quyền con người trong các công ước quốc tế mà Việt Nam là quốc gia thành viên, phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, truyền thống lịch sử, văn hoá dân tộc. Một trong những mục tiêu của nội luật hoá là đảm bảo sự tiến bộ thực sự về nhân quyền cho người DTTS.

Từ 30 văn bản thể hiện chủ trương, đường lối của Đảng, đã được Nhà nước thể chế thành hệ thống chính sách dân tộc bao phủ hầu hết các lĩnh vực đời sống của đồng bào DTTS. Trong 10 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã ban hành 125 luật, trong đó có 352 điều khoản trực tiếp liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các DTTS.

Hiến pháp 2013 khẳng định: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”. Nguyên tắc không phân biệt đối xử và bình đẳng giữa tất cả các thành viên trong cộng đồng là cốt lõi của Hiến pháp và cũng được thực hiện thông qua các cải cách lập pháp có liên quan. Nguyên tắc trên được quán triệt trong toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam, là nguyên tắc cơ bản của chính sách đảm bảo quyền cho các DTTS. Các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp đều bình đẳng trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật.

Ông Y Thông – Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc nêu rõ, do phần lớn các DTTS Việt Nam cư trú ở miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, gặp khó khăn trong phát triển kinh tế – xã hội nên đồng thời với việc xác định quyền bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước Việt Nam còn khẳng định ưu tiên hỗ trợ và tăng cường đoàn kết giúp đỡ, tạo điều kiện để các DTTS phát huy nội lực vươn lên hội nhập với sự phát triển chung được thể hiện tại Điều 5 Khoản 4 của Hiến pháp: “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các DTTS phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”. Đây là nguyên tắc, là biểu hiện đặc trưng cơ bản trong chính sách dân tộc của Việt Nam và phù hợp với Khoản 4 Điều 1 Công ước CERD.

Pháp luật Việt Nam còn có những quy định cụ thể về cấm phân biệt đối xử, được thể hiện tại Hiến pháp năm 2013 (Điều 16, 26, 35) và nhiều văn bản pháp luật. Việt Nam cũng khẳng định lập trường kiên quyết phản đối và chống chia rẽ, kích động hận thù giữa các dân tộc, chủng tộc. Những hành vi phân biệt chủng tộc hoặc hỗ trợ các hoạt động gây chia rẽ, kỳ thị và phân biệt chủng tộc đều bị pháp luật Việt Nam nghiêm cấm, trừng trị nghiêm khắc.

Thành tựu phát triển không thể phủ nhận

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ – Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an, trong các giai đoạn lịch sử của cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn ưu tiên hỗ trợ các DTTS phát triển về mọi mặt. Từ khi gia nhập Công ước CERD, Việt Nam tiếp tục huy động nguồn lực nhằm tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS; xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.

Nhờ những chủ trương, chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng, Nhà nước, lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội ở vùng đồng bào DTTS đã đạt được những thành tựu không thể phủ nhận, được thể hiện trên những khía cạnh như sau:

Thứ nhất, bình đẳng về chính trị của các DTTS được thực hiện ngày càng hiệu quả

Từ năm 1946 đến nay, kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội nào cũng có đại diện của 28 – 32 dân tộc. Khóa I (1946), chỉ có 34 đại biểu người DTTS, tỷ lệ 10,2% thì Quốc hội Khóa XV nhiệm kỳ 2021 – 2026, đã có 89/499 đại biểu là người DTTS, tỷ lệ 17,84%, cao nhất trong các khóa Quốc hội và tiệm cận rất sát tới mục tiêu đảm bảo ít nhất 18% đại biểu Quốc hội là người DTTS.

Một số DTTS có số dân đông như Tày, Thái, Mường, Khmer, Mông, Nùng… đều có đại diện qua các khóa Quốc hội với số lượng đáng kể. Một số dân tộc có dân số dưới 10.000 người sinh sống ở các vùng núi cao, hẻo lánh cũng có đại diện tham gia Quốc hội. Khóa XIV, lần đầu tiên có đại diện dân tộc Mảng (dân số dưới 5.000 người) và khóa XV, lần đầu tiên có đại diện dân tộc Brâu (dân số dưới 1.000 người) và dân tộc Lự (dân số 6.000 người) tham gia Quốc hội. Đến nay, 51/53 DTTS đã có đại diện tham gia Quốc hội các khóa, chỉ còn 2 dân tộc: Ơ đu (số dân dưới 1.000 người) và Ngái (số dân dưới 2.000 người) chưa có đại diện tham gia Quốc hội. Mục tiêu của Việt Nam là phấn đấu để các dân tộc đều có đại biểu Quốc hội.

Cô giáo Nàng Xô Vi (dân tộc Brâu) Đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận tại Kỳ họp lần thứ 2 Quốc hội khoá VX (tháng 12/2021) – ảnh: quochoi.vn

Về tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) là người DTTS ở cấp xã, cơ bản, các địa phương đã đạt được mục tiêu theo Quyết định số 402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến tháng 5/2023, tỷ lệ CBCCVC người DTTS chiếm 11,5% tổng số CBCCVC. Nhiều địa phương có tỷ lệ CBCCVC người DTTS cao như: Cao Bằng 87,9%, Bắc Kạn 77,8%, Lạng Sơn 75,2%, Hà Giang 56%, Sơn La 53%, Hòa Bình 50,3%, Điện Biên 46,4%, Tuyên Quang 38%, Lào Cai 37,5%.

Thứ hai, kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS phát triển vượt bậc

Những năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng Việt Nam đã ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Giai đoạn 2003 – 2008, khoảng 250.000 tỷ đồng, giai đoạn 2011 – 2015 là 690.000 tỷ đồng, giai đoạn 2016 – 2020 là 998.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 – 2025, lần đầu tiên, Việt Nam có Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào vùng DTTS và miền núi, thể hiện sự quan tâm đặc biệt, là quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao vị thế và đảm bảo quyền phát triển cho đồng bào DTTS. Giai đoạn này, Quốc hội phê duyệt chủ trương bố trí trên 137 nghìn tỷ đồng để thực hiện Chương trình.

Theo báo cáo số 732/BC-UBDT ngày 10/6/2021 của Ủy ban Dân tộc tổng kết 8 năm thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2013 – 2020, nhờ các chính sách dân tộc, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hàng năm. Bình quân toàn vùng DTTS và miền núi giảm 4%/năm; các xã đặc biệt khó khăn giảm trên 4%/năm trở lên; các huyện nghèo giảm 5 – 6%/năm trở lên, trong khi cả nước tốc độ giảm chỉ là 2%/năm.

Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn khoảng 33% (giảm 5,62%) so với chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao. Một số tỉnh ước tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh: An Giang giảm 11,3%, Quảng Nam giảm 10,4%, Quảng Trị giảm 6,73%… Các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Cần Thơ, Đồng Nai, Long An, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 1%; tỉnh Quảng Ninh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương. Kết quả giảm nghèo đa chiều đã làm thay đổi căn bản đời sống của đồng bào.

Toàn quốc có 7,9 triệu lao động DTTS có việc làm, chiếm 82,1% tổng số người DTTS từ 15 tuổi trở lên. Tỷ lệ thất nghiệp của người DTTS chỉ là 1,4%, thấp hơn tỷ lệ thất nghiệp chung của toàn quốc[1].

Hơn 1,4 triệu hộ DTTS đang được thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng ưu đãi. Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội[2]: dư nợ đối với khách hàng là đồng bào DTTS trên 75 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,7%/tổng dư nợ[3]; bình quân 01 hộ DTTS dư nợ đạt trên 50 triệu đồng (bình quân chung toàn quốc là 45 triệu đồng). Thông qua vốn tín dụng chính sách, đồng bào DTTS đã có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bệnh tật, giảm thất học và tệ nạn xã hội, thêm tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội.

Nhà nước còn hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho đồng bào DTTS ở vùng khó khăn. Hiện nay, 96,12% người DTTS sử dụng thẻ bảo hiểm y tế. Số người nghèo, người DTTS tham gia thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đạt gần 43 triệu lượt người, chiếm 24% số người tham gia bảo hiểm y tế toàn quốc.

Hiện nay, 96,12% người DTTS sử dụng thẻ bảo hiểm y tế và thường xuyên được sử dụng các dịch vụ khám chưa bệnh ở tất cả các tuyến từ Trung ương tới cơ sở (ảnh: Phương Liên)

 

Khi gặp rủi ro bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh… đồng bào DTTS được Nhà nước hỗ trợ kịp thời. Điển hình lúc dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Ủy ban Dân tộc đã kịp thời hỗ trợ bệnh nhân F­0 và F1 người DTTS tại tỉnh Điện Biên và Bắc Giang tổng số tiền 837,5 triệu đồng[4], hỗ trợ ổn định đời sống đối với học sinh DTTS một số trường dự bị đại học…

Đồng bào DTTS, phụ nữ, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo ngày càng có nhiều cơ hội được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản. Bệnh sốt rét, bướu cổ cơ bản được khống chế; tuổi thọ trung bình của 53 DTTS đạt 70,7 tuổi, tăng 0,8 năm so với năm 2015, tiến khá gần tới mức chung của cả nước (73,6 tuổi). Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 90%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm mạnh qua từng năm. Thành tựu về giảm suy dinh dưỡng trẻ em và giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em của Việt Nam đã đảm bảo tiến độ thực hiện Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ[5].

Quy mô, mạng lưới trường, lớp vùng DTTS và miền núi được củng cố, phát triển từ mầm non, phổ thông đến cao đẳng, đại học. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở là thành tựu nổi bật của Việt Nam được ghi nhận tại nhiều diễn đàn quốc tế.

Chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS được thực hiện hiệu quả. Nhiều lễ hội truyền thống lành mạnh được phục hồi, phát triển và hình thành mới, góp phần giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Về nhà ở, 95% hộ DTTS đang sống trong những ngôi nhà thuộc quyền sở hữu riêng; 96,7% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 88,6% hộ được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh; 59,6% hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh, vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020 gần 20%.

Tivi đã trở thành thiết bị sinh hoạt phổ biến của hộ DTTS với 81,5% số hộ sử dụng. Cơ hội tiếp cận thông tin của người DTTS ngày càng được mở rộng với tỷ lệ hộ sử dụng Internet đạt 61,3%, tăng hơn 9 lần so với năm 2015[6].

Hệ thống các chính sách dân tộc hiện nay được đánh giá là cơ bản đã bao phủ toàn diện các lĩnh vực đời sống, kinh tế, giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội và quốc phòng, an ninh tại vùng DTTS và miền núi. Những thành tựu trong nội luật hoá và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta là minh chứng thuyết phục phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc về cái gọi là “Đảng, Nhà nước Việt Nam “phân biệt đối xử” với các DTTS” hoặc “chính sách ngược đãi các DTTS đang diễn ra ở Việt Nam”…


[1] Ủy ban Dân tộc: Kết quả Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế – xã hội của 53 DTTS năm 2019

[2] Báo cáo kèm theo văn bản số 5565 /NHCS-TDNN ngày 11/7/2023 của Ngân hàng Chính sách – xã hội

[3] Cho vay thực hiện các chương trình, chính sách theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ: 32/2007/QĐ-TTg; 74/2008/QĐ-TTg; 54/2012/QĐ-TTg; 29/2013/QĐ-TTg; 755/2013/QĐ-TTg; 2085/2016/QĐ-TTg và Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ

[4] Ủy ban Dân tộc: Báo cáo sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm 2021

[5] Ủy ban Dân tộc: Kết quả Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế – xã hội của 53 DTTS năm 2019

[6] Ủy ban Dân tộc: Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế – xã hội của 53 DTTS năm 2019

Theo: ĐCS

Các bài viết khác

Đang online: 1
Tổng truy cập: 331510