BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

NHỮNG QUAN ĐIỂM ĐẦU TIÊN CỦA ĐẢNG VỀ XÂY DỰNG QUÂN ĐỘI CÁCH MẠNG

Mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu bước ngoặt quan trọng, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối và tổ chức lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

 21 Tháng Mười, 2024

Phát huy truyền thống đánh giặc, giữ nước của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định phương pháp cách mạng bạo lực, đấu tranh vũ trang để giành chính quyền. Trong các văn kiện đầu tiên, Đảng khẳng định tính tất yếu phải tổ chức và lãnh đạo Quân đội, sử dụng Quân đội là công cụ bạo lực sắc bén để chống lại bạo lực phản cách mạng và làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc.

Đội tự vệ đỏ (còn gọi là tự vệ công nông) trong phong trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Tư liệu

Chánh cương vắn tắt chỉ rõ nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam: Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản; làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập, dựng ra Chính phủ công nông binh và “Tổ chức ra quân đội công nông”. Thực hiện chủ trương đó, Đảng ta đã phát động phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp và phong kiến tay sai trên khắp cả nước. Tiếp đó, tháng 10/1930, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất thông qua Luận cương chánh trị xác định: Đảng phải tổ chức đội tự vệ của công nông để thực hiện nhiệm vụ của cách mạng tư sản dân quyền là đánh đổ chủ nghĩa đế quốc Pháp, phong kiến và địa chủ.

Quan điểm của Đảng về xây dựng Quân đội cách mạng cũng được thể hiện trong Án nghị quyết của Trung ương toàn thể Đại hội nói về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng (10/1930): “Mục đích của Đảng là lãnh đạo quần chúng võ trang bạo động. Vậy nên ngay từ bây giờ Đảng phải tổ chức bộ quân sự của Đảng để: Làm cho đảng viên được quân sự huấn luyện. Giúp cho công nông hội tổ chức đội tự vệ”. Ngay từ sớm, Đảng ta đã xác định xây dựng Quân đội cách mạng là một nhiệm vụ cấp thiết nhằm hỗ trợ cho cuộc đấu tranh của quần chúng, thực hiện nhiệm vụ của cách mạng là đánh đổ thực dân Pháp và tay sai, lập nên nhà nước của đông đảo người dân lao động.

Ngày 9/12/1930, Trung ương Đảng gửi thư cho các cấp bộ Đảng xác định: Vấn đề tổ chức đội tự vệ của công và nông là một vấn đề rất quan trọng. Có đội tự vệ thì công và nông mới giúp cho quần chúng tổ chức tranh đấu hơn trước được. Ngày 26/1/1931, Thường vụ Trung ương Đảng gửi thư cho Xứ ủy Bắc Kỳ nêu rõ: Cần phải tổ chức những đội tự vệ để tuyên truyền, cổ vũ, bảo vệ quần chúng đấu tranh. Sau đó, Thông cáo cho các Xứ ủy (1/1931) đã chỉ ra rằng: Đội tự vệ không phải tổ chức trong một lúc tranh đấu rồi giải tán đi, mà phải duy trì khuếch trương ra làm một lực lượng vĩnh viễn của quần chúng. Khi có tranh đấu thì đội tự vệ phải ra đi đầu, đi kèm quần chúng mà hộ vệ, còn lúc thường thì phải luyện tập riêng, phải bàn định những cách hộ vệ và bênh vực tranh đấu.

Thường vụ Trung ương Đảng nhấn mạnh: Vấn đề quan trọng cho sự đấu tranh của quần chúng bây giờ là vấn đề tổ chức đội tự vệ của công nông. Các đảng bộ phải góp với Công, Nông, Hội mà hết sức hô hào cổ động trong quần chúng ý nghĩa và sự lợi ích của đội tự vệ, đem những phần tử hăng hái tranh đấu can đảm, lực lượng, tổ chức ra những đội ấy. Phải làm sao cho mỗi nhà máy, mỗi làng đều có một đội tự vệ.

Tháng 3/1935, Đại hội đại biểu toàn quốc thứ nhất của Đảng thông qua Nghị quyết về đội tự vệ – được đánh giá là văn kiện chuyên đề quân sự đầu tiên của Đảng. Nghị quyết xác định nguyên tắc xây dựng đội tự vệ công nông: Thứ nhất là xây dựng đội tự vệ công nông về chính trị; thứ hai là tổ chức, biên chế, trang bị và huấn luyện cho đội tự vệ công nông. Về nguyên tắc thứ nhất: Đội tự vệ công nông là một loại hình tổ chức có tính chất nửa quân sự của quần chúng nhân dân lao động, trước hết và chủ yếu là của công nhân và nông dân, do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Đội tự vệ đặt dưới quyền chỉ huy thống nhất của Trung ương, Quân ủy của Đảng Cộng sản. Trong đội tự vệ phải thực hiện dân chủ nội bộ. Kỷ luật tự vệ công nông cách mạng không phải là kỷ luật nhà binh, nhưng cũng nghiêm khắc. Không thỏa hiệp với tính lười biếng, bất tuân mệnh lệnh.

Về nguyên tắc thứ hai: Nghị quyết xác định rõ nguyên tắc tổ chức, biên chế, trang bị, huấn luyện đội tự vệ công nông. Theo đó, cơ cấu tổ chức của đội tự vệ thường trực là: Từ năm người tới chín người tổ chức thành một tiểu đội, mỗi tiểu đội có một người đội trưởng chỉ huy, tiểu đội lớn thì có một chánh, một phó đội trưởng. Ba tiểu đội tổ chức một trung đội. Trung đội có một người chánh và một người phó trung đội trưởng và một người đại biểu của Đảng Cộng sản chỉ huy. Ba trung đội tổ chức thành một đại đội. Đại đội có một chánh, một phó đại đội trưởng và một người đại biểu của Đảng Cộng sản chỉ huy.

Cứ theo phép “tam tam chế” mà tổ chức lên tiểu đoàn, trung đoàn, đại đoàn và tập đoàn. Cùng với việc tổ chức đội tự vệ thường trực, Đảng xác định cần huấn luyện quân sự cho quần chúng tham gia công tác tự vệ; đồng thời, phê phán xu hướng chỉ lo tổ chức tự vệ thường trực, mà không chú ý vận động quần chúng trung kiên tham gia. Về trang bị của đội tự vệ công nông, Nghị quyết đề ra phương châm bên cạnh vũ khí thô sơ tự trang bị, phải tìm cách cướp lấy súng của địch mà trang bị cho mình. Vấn đề huấn luyện quân sự cho đội tự vệ công nông tập trung về kỹ thuật và chiến thuật cho tự vệ biết sử dụng các vũ khí thông thường; biết chiến thuật đánh trong thành phố, chiến thuật du kích chiến tranh.

Từ khi thành lập đến nay, QĐND Việt Nam ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, cùng toàn dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Trong ảnh: Cán bộ, chiến sĩ BĐBP tham gia giúp dân khắc phục hậu quả bão số 3 năm 2024. Ảnh: Đào Nguyên

Tháng 9/1940, khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ. Từ cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Đội du kích Bắc Sơn ra đời đánh dấu sự xuất hiện của tổ chức đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng. Ngày 23/11/1940, khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra với khí thế mạnh mẽ, có tính chất quần chúng rộng rãi. Mặc dù khởi nghĩa bị kẻ thù dìm trong “biển máu”, song từ trong cuộc đấu tranh ác liệt đã ra đời đội quân du kích Nam Kỳ. Tháng 5/1941, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 đề ra chủ trương: Phải có những tổ chức, tiểu tổ du kích, du kích chính thức. Thực hiện Nghị quyết của hội nghị, các địa phương ra sức mở rộng và củng cố các đội tự vệ, từ đó lựa chọn ra những đội viên ưu tú tổ chức thành các tiểu tổ du kích.

Cuối năm 1944, tình hình cách mạng có nhiều chuyển biến, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trương tổ chức đội quân tập trung, với tinh thần chỉ đạo: Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến toàn dân, vũ trang toàn dân; nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng. Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân ra đời, đánh dấu quá trình hoàn thiện quan điểm của Đảng về xây dựng quân đội cách mạng trong quá trình đấu tranh giành chính quyền.

Có thể thấy, ngay sau khi thành lập, Đảng đã rất quan tâm lãnh đạo xây dựng Quân đội cách mạng. Trải qua thực tiễn đấu tranh, những quan điểm của Đảng về vũ trang toàn dân, xây dựng Quân đội cách mạng từng bước được bổ sung và ngày càng hoàn thiện. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức vũ trang cách mạng lần lượt ra đời, trưởng thành và phát triển thành một Quân đội cách mạng tập trung hùng hậu. Những quan điểm chỉ đạo đầu tiên của Đảng về xây dựng Quân đội cách mạng trở thành nền tảng, cơ sở quyết định sự trưởng thành, lớn mạnh của lực lượng vũ trang, của QĐND Việt Nam trong suốt những chặng đường lịch sử, sẽ mãi còn giá trị vận dụng trong hiện tại và tương lai.

Đăng Anh

Theo Biên phòng

Các bài viết khác

Đang online: 1
Tổng truy cập: 328688