Gen Z bị bệnh tật hành hạ nên quyết tâm trở thành bác sĩ
Căn bệnh viêm xoang bướm dẫn đến hoại tử xương không khiến gen Z Phạm Tuấn Anh lùi bước trong cuộc sống. Càng bệnh, bạn càng quyết tâm trở thành một bác sĩ.
Bạn Phạm Tuấn Anh - Ảnh
Dù trời nắng hơn 30 độ nhưng cậu bạn gen Z Phạm Tuấn Anh (sinh năm 2005, quận 5) vẫn mặc áo khoác, đội nón len. Căn bệnh viêm xoang bướm khiến bạn phải luôn tìm cách bảo vệ cơ thể. Kể về căn bệnh viêm xoang bướm quái ác và nỗ lực vật lộn với cuộc sống của mình cho Mực Tím nghe, Tuấn Anh không khỏi bồi hồi.
Căn bệnh viêm xoang bướm quái ác
Tuấn Anh kể: "Mọi thứ sụp đổ khi mình đang học lớp 10. Khi đang học trên lớp, mình bị đau đầu dữ dội, mắt trái mờ dần, không thể mở ra được. Sau khi đi khám, mình bàng hoàng nghe bác sĩ chẩn đoán bị viêm xoang bướm.
Bệnh xoang đã ăn sâu đến mức hoại tử đen hết phần xương ở mắt trái. Đây là lý do khiến mắt mình lúc nào cũng có cảm giác đau bên trong, mũi thường xuyên chảy máu. Trầm trọng hơn khi bác sĩ cảnh báo nếu để lâu bệnh lên đến não sẽ bị đần độn.
Dù bạn bè khá “mát mẻ” nhưng Tuấn Anh phải đội nón len, mặc áo khoác
Để bệnh không phát triển, mũi không bị chảy máu, mình phải kiêng cữ nhiều thứ. Nếu môi trường dưới 30 độ, bệnh xoang của mình sẽ trở nặng. Vì vậy dù thời tiết khá nóng nhưng mình vẫn phải đội nón len, mặc áo khoác, mang găng tay. Nếu đến vùng có thời tiết lạnh như Đà Lạt, mình phải mặc ít nhất bốn lớp quần áo.
Đêm ngủ cần sự hỗ trợ của hai chiếc túi chườm nóng đặt ngang bụng và lưng. Nếu không, mình sẽ bị nhức đầu và đau mắt.
Với thể thao, mình cũng không thể chạy bộ quá 15 phút; bóng rổ, cầu lông... không được chơi hơn 10 phút. Khi vận động, nhịp tim mình sẽ tăng, bơm máu nhanh dễ dẫn đến bể mạch máu. Còn trong ba lô của mình, ngoài tập sách lúc nào cũng có thuốc cầm máu, thuốc trị máu khó đông...
Ngày nhỏ từng xin học nội trú để tự cai nghiện game
Lúc đó, nghĩ lại, mình mới thấy từ nhỏ mình hay bị chảy máu mũi. Càng lớn, tần suất mình bị chảy máu mũi ngày càng nhiều. Có khi là mỗi tuần, thậm chí mỗi ngày. Thời điểm này gia đình và mình chưa quan tâm lắm đến bệnh tình. Cả nhà cứ nghĩ đây là biểu hiện của bệnh xoang thông thường.
Ngày xưa mình khá thích chơi cầu lông. Nhưng càng chơi mình càng dễ bị chảy máu mũi nên không thể ra ngoài vận động. Phải ở nhà nhiều khiến mình nghiện game lúc nào không hay.
Lên lớp 6, mình bắt đầu chán nản và muốn nghỉ học vì điểm số ngày càng tệ. Một lần nọ, nhìn thấy ba mẹ vất vả kiếm tiền, mình thức tỉnh. Và mình quyết định phải thay đổi. Lên lớp 9, mình xin ba mẹ cho vào học nội trú Trường THCS - THPT Trí Đức (TP.HCM). Ở trường nội trú mình không được dùng điện thoại, giờ giấc sinh hoạt phải nề nếp. Đó là cách để mình tự chấn chỉnh bản thân. Giải pháp này đúng là có hiệu quả, điểm số của mình tiến bộ rõ rệt.
Tuấn Anh chia sẻ với Mực Tím tấm ảnh 'độc': thời bạn còn bị nghiện game
Hành trình viết nên ước mơ của cậu bạn gen Z nghị lực
Những khó khăn từ căn bệnh đã khiến mình quyết tâm phải trở thành bác sĩ. Trong một lần học hướng nghiệp, mình nhớ mãi lời thầy gợi ý: “Em bị bệnh nhiều quá hay sau này học làm bác sĩ để tự chữa bệnh cho mình luôn”.
Đăng ký vào đội tuyển học sinh giỏi môn Sinh của trường chính là bước đầu tiên để mình thực hiện ước mơ. Năm lớp 11, ngoài thời gian ăn uống và ngủ, mình dành cho việc học. Cứ có cơ hội là mình sẽ đi tìm giáo viên chủ nhiệm nhờ cô dạy kèm thêm.
Dù giấc mơ để trở thành bác sĩ của mình vẫn là con đường dài phía trước, nhưng mình tin rằng bản thân sẽ thực hiện được để những ngày tháng thanh xuân hôm nay tuy có khó khăn về sức khỏe nhưng vẫn trọn vẹn và tươi đẹp.
Bên cạnh uống thuốc tây theo bác sĩ kê toa, từ khi được học y cổ truyền mình còn hiểu hơn về bệnh tình bản thân. Mình tự sử dụng thêm các phương pháp của đông y như dùng trầm hương và ngải cứu xông mũi, giúp phần loét bên trong hốc mắt nhanh lành hơn.
Nếu như trước đây mình bị chảy máu mũi mỗi tuần, thậm chí là mỗi ngày thì những tháng gần đây mình không còn chảy máu mũi nữa. Đây là lần duy nhất mình có khoảng thời gian dài không bị chảy máu mũi lâu đến vậy. "