BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

CẢNH GIÁC TRƯỚC NHỮNG TRANG MẠNG ĐỘC HẠI VỚI MƯU ĐỒ THỰC HIỆN DIỄN BIẾN HÒA BÌNH



Từ xưa đến nay, Tây Nguyên vẫn luôn được đánh giá là địa bàn chiến lược, có giá trị rất lớn về mặt quân sự, kinh tế, chiến lược. Cha ông ta từ xưa đã nhận định vùng Tây Nguyên quan trọng đến mức “Ai chiếm được Tây Nguyên sẽ làm chủ Việt Nam và Đông Dương”. Sau này, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và thế giới cũng nhận thức được vị trí yết hầu của khu vực này với câu nói nổi tiếng: “Đây là nóc nhà của Đông Dương”. Vùng đất này liền kề ngã ba Đông Dương, cho nên chiếm lĩnh được khu vực này thì cũng dễ dàng chiếm lĩnh được toàn bộ Đông Dương. Chính vì vậy, Tây Nguyên chính là miếng mồi mà các thế lực thù địch muốn nhắm tới với mưu đồ chia cắt đất nước, đòi ly khai, tự trị.

Để thực hiện âm mưu thâm độc đó, trước đây chúng đã chỉ đạo thành lập “Nhà nước Đề Ga độc lập” ở bên ngoài, dùng tổ chức “Tin lành Đề Ga” làm công cụ phát triển lực lượng chống phá trong nước. Dưới bàn tay giật dây của các thế lực thù địch với nước ta, “Mặt trận thống nhất đấu tranh của các dân tộc bị áp bức – FULRO” là một tổ chức phản động cực kỳ nguy hiểm được thành lập. Cái tên của tổ chức ấy gắn với sự đen tối, là bóng ma hãi hùng ám ảnh vùng đất Tây Nguyên trong nhiều thập niên qua. Đó là tổ chức do các thế lực đế quốc nặn ra, nuôi dưỡng và chỉ đạo, nhằm mục đích chia cắt sự thống nhất đất nước, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc ở Việt Nam, ngăn chặn cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Mặc dù hiện nay, về cơ bản, tổ chức FULRO đã bị xóa sổ, nhưng tàn dư của nó vẫn chưa thực sự chấm dứt, vẫn tồn tại trong “vấn đề Tây Nguyên”, “âm mưu Tây Nguyên” thông qua các hình thức khác với thủ đoạn không kém phần tinh vi và tàn bạo.

Thời gian gần đây, nổi lên các hoạt động tái phục hồi, xây dựng các khung cơ sở phản động trong nước của tổ chức FULRO lưu vong làm bàn đạp tiến hành các hoạt động chống phá Nhà nước ta. Bằng những thủ đoạn, hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng dưới dạng hồi ức, kể lại, nhớ lại, tự bịa ra lời nói của những cá nhân không có thật, các bài viết cố tình vẽ ra bức tranh với gam màu xám xịt ở Tây Nguyên rồi biện hộ cho những hoạt động chống phá rằng “khi bị đẩy vào bước đường cùng thì người dân không còn cách nào khác là sẵn sàng đối diện với cái chết để làm liều”; “khi họ không còn con đường để sống thì họ phải chấp nhận cái chết”…nhằm chia rẽ tinh thần đoàn kết dân tộc. Đây là thủ đoạn vu cáo hết sức nguy hiểm nhằm kích động chống phá từ bên trong và gây sự hiểu lầm, tạo sức ép từ bên ngoài.

Hiện nay, với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng không gian mạng để tiến hành các hoạt động tuyên truyền, kích động chống phá Nhà nước ta một cách quyết liệt và tạo ra những thông tin ngụy tạo, thất thiệt gây mơ hồ cho nhân dân. Các trang như “Người Thượng vì công lý – MSFJ”, “Ủy ban cứu người vượt biển – BPSOS”, “Hội thánh Tin lành Đấng Christ”, “Việt Tân”,… thường xuyên đăng tải, chia sẻ các bài viết, các đoạn video liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo tại Việt Nam. Nội dung trong các bài viết, video dù bằng cách này hay cách khác thì số này đều nhắm vào xuyên tạc, bôi nhọ chính sách của Đảng, Nhà nước với đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, cho rằng đồng bào bị đàn áp tôn giáo, bị bỏ rơi, bị chèn ép, đẩy vào khốn cùng. Cùng với đó là xuyên tạc tình cảm, đời sống của đồng bào Tây Nguyên, đưa ra những nội dung sai trái để gây chia rẽ giữa người Kinh với người Thượng, giữa các đồng bào dân tộc thiểu số. Một số bài viết còn xuyên tạc việc chính quyền “lợi dụng vụ việc để đàn áp, truy bức người Thượng”, từ đó đưa ra cái nhìn sai lệch, nhất là gây hiểu lầm đối với dư luận ở nước ngoài, cố tình tạo ra những mâu thuẫn, bất ổn từ bên trong để kêu gọi sự can thiệp của các tổ chức quốc tế vào công việc nội bộ của Việt Nam…

Được sự hậu thuẫn của một số chính khách thiếu thiện chí với Việt Nam, các tổ chức phản động lưu vong triệt để lợi dụng danh nghĩa “cứu trợ thuyền viên”, “người tị nạn”, “chống buôn người” “đấu tranh ôn hòa cho nhân quyền và tự do tôn giáo”... để ngửa tay xin kinh phí hoạt động. Thế nhưng, mỗi khi có vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra thì chưa cần biết nguyên nhân là y như rằng họ đăng lên các trang nhất, ra rả về chuyện nhân quyền, khóc than cho những người vi phạm pháp luật.

Trang “Cộng đồng người Tây Nguyên” có bài viết vào ngày 02/8/2023 cho rằng các đối tượng gây ra vụ việc tại Đắk Lắk là anh hùng, là dũng cảm khi “đứng lên đương đầu với nhà nước cộng sản tàn bạo” và xin được “nghiêng mình kính cẩn trước 40 chiến binh rằn ri, những đứa con của núi rừng bất khuất”. Thật nực cười, từ bao giờ mà hành vi giết người tàn bạo, man rợ và vô nhân tính như vậy lại được xem là anh hùng – một từ vốn dĩ chỉ dùng cho những người tài giỏi xuất chúng, tài giỏi hơn đời, làm được việc lớn. Những “anh hùng” này đã làm được gì cho xã hội, đã dùng sự “tài giỏi” của mình đem lại cuộc sống tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc cho chính gia đình, dòng tộc của mình hay chưa hay chỉ là những kẻ vọng ngoại, tin vào lời dụ dỗ, hứa hẹn đầy tính ảo tưởng của bọn mại quốc cầu vinh. Đây cũng là trang thường xuyên có những bài viết cho rằng người dân tộc thiểu số Tây Nguyên bị phân biệt, bị miệt thị, đối xử thiếu công bằng nhưng chính đội ngũ admin, những con người đang ngồi phía bên kia màn hình mới chính là những người đang tự miệt thị, xem thường đồng bào chúng ta.

Người Dân chúng ta chưa giàu, Nước chưa mạnh nhưng kể từ ngày đất nước hòa bình, thống nhất, bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc và phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường, vùng đất Tây Nguyên đã được thay da đổi thịt, từng bước phát triển toàn diện cả về kinh tế – xã hội và quốc phòng – an ninh. Với đường lối chiến lược đúng đắn, cùng với sự đầu tư của Đảng và Nhà nước, nhất là chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của chính quyền các địa phương, Tây Nguyên đã trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, là tiền đề quan trọng để quân và dân nơi đây vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đầu tư phát triển kinh tế, các hoạt động về chăm sóc y tế, giáo dục, đặc biệt là công tác giúp bà con xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số được cấp ủy, chính quyền các tỉnh đặc biệt quan tâm. Hàng nghìn hộ dân được hưởng lợi từ các mô hình “an sinh xã hội”, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã thành lập nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các cơ sở đào tạo nghề; 100% số xã đã có trường mẫu giáo, trường tiểu học. Mạng lưới y tế cộng đồng mở rộng đến khắp các thôn, buôn. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tiếp tục được đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Có được những kết quả ấy là nhờ vào sự đồng lòng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân vì một mục tiêu chung là một cuộc sống ấm no, hạnh phúc và tiến bộ.

Như chúng ta đã biết, hiện nay mạng xã hội đang ngày càng phát triển, mọi người đều được phép truy cập Internet để thực hành và hưởng các quyền tự do ngôn luận, tuy nhiên không có nghĩa là tự do tuyệt đối, không phải cá nhân nào thích viết gì, phát ngôn gì, muốn xâm phạm đến cá nhân, tổ chức nào trên Internet và mạng xã hội cũng được. Mọi hành vi cổ xúy cho các luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng sẽ được xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Vì vậy, mỗi chúng ta hãy là những người sử dụng mạng Internet, mạng xã hội thông thái, không được mơ hồ, mất cảnh giác mà phải nhận thức rõ âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng xấu; tỉnh táo trước những thông tin sai trái, bịa đặt, mỗi một người dân hãy tự trang bị cho mình những liều kháng sinh thật mạnh để có thể chống lại các chất độc hại do các trang mạng xấu độc đang ngày đêm tìm cách xâm hại đến chúng ta, từ đó kịp thời phát hiện và loại bỏ, không tiếp tay cho kẻ xấu lan truyền thông tin trên không gian mạng, kiên quyết không nghe theo kẻ xấu lôi kéo, kích động xúi giục thực hiện những hành vi chống phá, gây rối, mất an ninh trật tự tại địa phương./.
 

Các bài viết khác

Đang online: 1
Tổng truy cập: 332061