CÁC HOẠT ĐỘNG KHÁC

Căn cứ cách mạng B1 Hông Phước - Địa chỉ đỏ về nguồn của tuổi trẻ

Khu căn cứ B1-Hồng Phước (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) là một trong những “căn cứ lõm” tiêu biểu của cách mạng trên chiến trường Quảng Đà những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Dẫu luôn bị địch kìm kẹp, lùng sục trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng 64 gia đình ở Hồng Phước với sự mưu trí, gan dạ đã che giấu an toàn hầm bí mật để hoạt động cách mạng trong lòng địch cho đến ngày đất nước toàn thắng. Vì vậy, nơi này đang được đầu tư thành địa chỉ đỏ về nguồn của giới trẻ.

Học sinh Nguyễn Minh Ngân (trái) được Quận Đoàn Liên Chiểu khen thưởng vì tích cực trong các hoạt động về nguồn để tìm hiểu lịch sử Khu B1-Hồng Phước

Một nốt son trong cuộc kháng chiến thần thánh    

Bí thư Quận ủy Liên Chiểu Võ Công Chánh chia sẻ, hơn 42 năm sau giải phóng, bài học về ngọn lửa cách mạng ở B1-Hồng Phước đã và đang được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Liên Chiểu kế thừa và phát huy nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau. Ngược dòng lịch sử, trong giai đoạn ác liệt nhất của kháng chiến chống Mỹ (1960 - 1975), nhiều gia đình ở Hồng Phước, với lòng trung thành tuyệt đối và quyết tâm bảo vệ cách mạng, đã đào 64 căn hầm bí mật trong nhà, ngoài vườn để nuôi giấu cán bộ, bộ đội, du kích, thương bệnh binh...

Quân Mỹ- ngụy không thể hình dung những căn hầm bí mật nằm ngay trong lòng địch. Đêm đêm, ngọn đèn dầu là ám hiệu dẫn đường cho cán bộ, bộ đội, du kích ta vượt qua đồn bốt địch, bám trụ ở vùng ven thành phố để làm bàn đạp xâm nhập vào nội thành. Những tấm gương trung kiên được lịch sử lưu dấu như gia đình bà Phạm Thị Dĩ và ông Dương Chương, gia đình bà Phạm Thị Miên, Nguyễn Thị Liên, Hà Thị Mau, Lê Thị Cảnh...

Nhiều cán bộ lãnh đạo Đặc khu ủy Quảng Đà, Hòa Vang, Đà Nẵng lúc bấy giờ như: Võ Thanh Hùng, Tăng Ngọc Phương, Nguyễn Thanh Năm (Năm Dừa), Lê Quân, Đỗ Huy Sanh, Phạm Sĩ Tấn, Hồ Phúc Ngôn, Phan Văn Tải, Nguyễn Thanh Tuấn... cùng về đứng chân và tham gia xây dựng căn cứ Hồng Phước vững chãi trong lòng địch. Trong các cuộc chiến đấu quyết liệt, quân ta tiêu diệt rất nhiều sinh lực địch ở Đà Nẵng xuất phát từ mảnh đất kiên trung như: Hồng Phước, Xuân Thiều, Trung Sơn, Quan Nam, Thủy Tú, Kim Liên... gắn liền với các trận đánh vang dội. Và cũng đã có những chiến sĩ tham gia cách mạng ở Hồng Phước hy sinh anh dũng để giữ từng tất đất của quê hương.

Là nhân chứng từng tham gia hoạt động tại căn cứ B1-Hồng Phước khi mới 12 tuổi, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Liên Chiểu Dương Thành Thị khẳng định, đóng góp to lớn của căn cứ B1-Hồng Phước là một chiến công chói lọi. Bởi trong suốt những năm chống Mỹ, dù hoạt động trong lòng địch nhưng không một cơ sở cách mạng nào, không một căn hầm bí mật nào ở Hồng Phước bị lộ.

Tuổi trẻ “hành quân” về Hồng Phước

Lịch sử truyền thống bảo vệ Tổ quốc mãi mãi tô thắm khi thế hệ hôm nay và mai sau luôn biết giữ gìn và phát huy những bài học xương máu mà các thế hệ cha ông để lại. Với tinh thần đó, những năm qua, tuổi trẻ quận Liên Chiểu luôn hướng về căn cứ B1-Hồng Phước và căn cứ Khu 1 cánh bắc Hòa Vang với nhiều việc làm ý nghĩa như: hỗ trợ các gia đình khó khăn, thực hiện chiến dịch thanh niên tình nguyện hè, giáo dục lịch sử cách mạng địa phương thông qua kể chuyện, giao lưu nhân chứng lịch sử...

Đặc biệt, từ năm 2015, trong khuôn khổ “Ngày hè quân đội”, tuổi trẻ phường Hòa Khánh Bắc tổ chức cho hơn 400 lượt học sinh làm “chiến sĩ nhí”, trong đó dành một ngày về địa chỉ đỏ B1-Hồng Phước. Em Nguyễn Minh Ngân, học sinh Trường THCS Ngô Thì Nhậm hồ hởi cho biết, chỉ một ngày sống chung với người dân ở Hồng Phước, được ăn bữa trưa và tìm hiểu về lịch sử hình thành và những chiến công của căn cứ, em cảm nhận tinh thần yêu nước, xả thân vì dân tộc của các thế hệ đi trước. Giống như Minh Ngân, em Lê Viết Anh Huy và Bùi Phúc Đông, học sinh Trường THCS Nguyễn Lương Bằng, đều phấn khởi và xúc động khi lần đầu tiên về căn cứ B1-Hồng Phước để biết được lịch sử cách mạng rất đỗi tự hào của quê hương.

Bí thư Quận Đoàn Liên Chiểu Phan Công Bằng cho biết, giá trị truyền thống lịch sử cách mạng địa phương luôn thôi thúc thế hệ trẻ tìm hiểu, học tập bằng nhiều hình thức khác nhau. “Hiểu về mảnh đất và con người tại chiếc nôi cách mạng Hồng Phước, tuổi trẻ địa phương sẽ tích cực thực hiện tinh thần xung kích, không ngại khó khăn, vững niềm tin vào đường lối của Đảng để trang bị cho mình hoài bão, cống hiến cho đất nước, xây dựng quê hương giàu đẹp”, anh Phan Công Bằng chia sẻ.

Đặc biệt, sau khi căn cứ B1-Hồng Phước được chỉnh trang, xây dựng và hoàn thành vào đầu năm 2017, Quận Đoàn Liên Chiểu khuyến khích tuổi trẻ các cấp về với căn cứ B1-Hồng Phước để hun đúc tinh thần yêu nước, tự hào về quá khứ vinh quang của dân tộc và về vùng đất thép Hồng Phước kiên trung.

 Bài viết trích từ Báo Đà Nẵng đăng ngày 01/11/2016     

                                                                                           Bài và ảnh: VIỆT DŨNG (báo Tuổi trẻ)

Các bài viết khác

Đang online: 1
Tổng truy cập: 320030