CÁC HOẠT ĐỘNG KHÁC

Vượt khó lập nghiệp

Xuất thân trong gia đình nghèo khó, không có điều kiện được học hành đầy đủ nhưng Lê Văn Hải (sinh năm 1986, trú tổ 93, Nam Ô II2, phường Hòa Hiệp Nam) đã vượt khó vươn lên, trở thành ông chủ của một cơ sở quảng cáo, tạo công ăn việc làm cho hàng chục thanh thiếu niên trên địa bàn.

Tôi gặp Hải lúc anh vẫn còn đang cắm cúi làm việc tại cơ sở quảng cáo Lê Nguyên số 852 đường Nguyễn Lương Bằng. Gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt, Hải tâm sự: " Nhìn nghề này vất vả, lem luốc vậy chớ cũng rất " nghệ sĩ". Phải có đam mê, sự tỉ mỉ và ít nhiều có năng khiếu mĩ thuật mới có thể làm được". Trong văn phòng làm việc của Hải có vô số vật dụng, hỏi ra mới biết, không chỉ thiết kế quảng cáo, Hải còn kiêm luôn cả nghề cơ khí, nhôm kín. Do nhu cầu của ngành nghề quảng cáo không chỉ đơn thuần là thiết kế mà còn phải lắp đặt, hàn, gò….nên Hải đã mày mò và kết hợp những kiến thức liên quan để làm " đa nghề", vừa tăng thu nhập, vừa có cơ hội mở rộng khách hàng. Hiện nay, bình quân cơ sở của Hải thu về 25 triệu đồng/tháng với lượng khách hàng ổn định tại khu vực Đà Nẵng và một số địa bàn lân cận như Huế, Quảng Nam…

Lê Văn Hải ( phía trong) hướng dẫn học viên sử dụng máy in.

 

Nhớ lại tuổi thơ gian khó và những gian nan buổi đầu lập nghiệp, Hải không tránh khỏi xúc động. Mẹ mất sớm khi Hải mới 3 tuổi, một mình ba Hải nuôi 5 miệng ăn: 3 con nhỏ, mẹ già và bà nội. Với số tiền ít ỏi từ nghề kiếm củi của ba, nhiều lúc cả gia đình không đủ gạo ăn. Dù vậy, Hải vẫn vượt khó theo học. Năm lớp 9, một trận bão lớn làm nhà Hải bị sập, Hải quyết định bỏ học để đỡ bớt gánh nặng cho gia đình. Ban đầu, Hải học nghề luyện vàng rồi sau đó chuyển qua điện tử. Vốn dĩ là người không thích công việc khuôn sáo, khô khan nên cuối cùng Hải cũng bỏ nghề điện tử, chuyển sang quảng cáo. Ngày ngày, Hải phải mượn xe đạp đi từ Nam Ô xuống tận đường Nguyễn Tri Phương để học nghề. Suốt 2 năm trời học nghề không lương, chỉ được ăn một bữa trưa nhưng Hải không từ bỏ. Bên cạnh cơ sở chính, Hải còn xin học tại một số tiệm khác để trau dồi tay nghề và kiếm thêm thu nhập. Nhờ đó, thay vì phải mất 5-7 năm mới thành thạo tay nghề, Hải đã trở thành thợ lành nghề trong 3 năm.Tự tin với tay nghề và nhận thấy tình hình tại địa bàn, Hải đã mạnh dạn mở " cơ sở nhỏ" tại nhà. Ban đầu chỉ làm mấy biển hiệu nhỏ, đơn giản như " Trứng lộn"; " Ốc hút" cho một số người dân quanh vùng, sau đó, nhiều người biết đến, các hợp đồng cũng ngày một lớn hơn, có điều kiện để Hải thỏa sức sáng tạo. Từ bàn đạp này, Hải càng nỗ lực vươn lên, mở rộng cơ sở ra đường chính Nguyễn Lương Bằng và tạo điều kiện cho các em thanh thiếu niên khó khăn, khuyết tật đến học nghề, mỗi tháng hỗ trợ cho các em 1,5 triệu đồng. Như em Phạm Công Thức ( tổ 193, hòa Phú, Hòa Minh) nhà thuộc diện hộ nghèo, Thức chỉ học hết lớp 9, ở nhà lêu lỏng một thời gian dài. Trong một dịp làm biển quảng cáo tại Hòa Minh, thấy Thức đứng nhìn vẻ tò mò, Hải đã chủ động bắt chuyện và hỏi em có muốn theo học nghề để giúp gia đình không.Thức đồng ý. " Vì nhà em không đủ xe, thấy mẹ hằng ngày phải đưa đón em đi làm tốn thời gian nên anh Hải đã cho em mượn xe máy đi làm. Trong công việc, anh chỉ bảo em rất tận tình, dễ hiểu. Chỉ mới chưa đầy 2 tháng nhưng em đã học được một số kĩ năng cơ bản và làm được một số sản phẩm đơn giản"- Công Thức chia sẻ.

Tính đến nay, Hải đã giúp đỡ gần 20 em có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em đã ra nghề thành thạo và có kinh tế ổn định. Hiện tại, cơ sở của Hải có 3 lao động chính (đều là thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn), thu nhập bình quân mỗi tháng 3 triệu đồng.

Không chỉ vượt khó lập nghiệp, Hải từng là Bí thư đoàn xuất sắc tại khu dân cư. Năm 2010, Đoàn phường củng cố, kiện toàn tổ chức Đoàn đã vận động Hải làm Bí thư chi đoàn Nam Ô II2. Nhận nhiệm vụ, Hải mới bật ngửa vì thời điểm hiện tại, chi đoàn không có bất cứ đoàn viên nào. Hải lại đến từng nhà vận động các em tham gia tổ chức đoàn. Với sự nhiệt tình và cách làm việc hiệu quả, đến 2012, chi đoàn đã có 40 ĐVTN tham gia, đến nay đã tăng lên 60 ĐVTN. Không chỉ nâng cao số lượng, mà chất lượng hoạt động đoàn cũng được Quận, phường đánh giá cao, chi đoàn thường xuyên đạt giải tại các cuộc thi. Gần đây nhất là giải nhất Cổng chào và Văn nghệ tại Hội trại năm 2016 do Đoàn phường tổ chức. Chi đoàn cũng là đơn vị  đầu tiên thành lập đội trợ tang trên toàn quận-một hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Mặc dù hiện nay, Hải đã xin nghỉ chức Bí thư nhưng anh vẫn tích cực truyền đạt các kĩ năng Đoàn; hỗ trợ kinh phí hoạt động cho chi đoàn, cũng như trong các hoạt động từ thiện, nhân đạo. ĐVTN Nam Ô II2 vẫn gọi đùa Hải là "Tổng tư lệnh"; mỗi khi gặp vấn đề khó, Ban chấp hành đều xin ý kiến và nhờ Hải hỗ trợ. Đối với ĐVTN tại khu dân cư, Hải là một tấm gương sáng về nghị lực vươn lên, làm chủ cuộc đời và là một người anh luôn chu đáo trong công việc. Còn đối với Hải, hỗ trợ hoạt động Đoàn không chỉ là trách nhiệm của một cựu Bí thư, một Đoàn viên mà đó còn là trách nhiệm của con người đối với cuộc đời, với xã hội. Anh luôn giành sự quan tâm đặc biệt cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, không được học hành đến nơi đến chốn với mong muốn các em không sa ngã vào TNXH, có thể làm chủ cuộc đời của chính mình và trở thành có ích cho xã hội.

Các bài viết khác

Đang online: 1
Tổng truy cập: 320046