CÁC HOẠT ĐỘNG KHÁC

Nghị lực của Trâm

Sinh ra không được may mắn như bao người khác nhưng Phạm Hồ Bảo Trâm (sinh năm 1993, trú tổ 62, phường Hòa Minh, Liên Chiểu, Đà Nẵng) lại có một nghị lực phi thường khiến người khác phải cảm phục. Là nạn nhân chất độc da cam, lúc sinh ra không có được đôi chân lành lặn, thể trạng yếu… nhưng Trâm đã tự vươn lên bằng nghề làm tóc và Nail (làm móng tay) và trở thành một người có khả năng tự chủ về kinh tế.

Chủ tiệm tóc tiềm năng

Tôi gặp Trâm lúc em vẫn đang say mê làm việc tại tiệm tóc mới mở trên đường Phan Văn Sĩ, phường Hòa Minh. Ấn tượng đầu tiên về Trâm là một cô bé hoạt bát, lanh lợi và rất tự tin. Mặc dù phải di chuyển bằng đầu gối nhưng mọi hành động của em đều rất dứt khoát, nhanh nhẹn. Quì đứng trên ghế khá cao, đôi tay Trâm thoăn thoắt xả nước gội, matxa đầu cho khách. Thi thoảng, Trâm lại xoay người bằng hai đầu gối để lấy thêm mĩ phẩm phục vụ cho công việc. Xong xuôi tất cả, em nhấc người xuống ghế một cách nhẹ nhàng và nhanh chóng trước con mắt ngạc nhiên của các khách hàng đang chờ đợi. Một vị khách bật hỏi: "Sao con xuống được hay vậy". Em cười hiền: "Dạ, cái gì làm miết cũng quen cô". "Trâm là thế, không thích dài dòng, không thích kể lể. Em luôn cố gắng làm tốt nhất có thể mà không hề than vãn, cũng không tự mãn khi mình có thể làm tốt". Chị Hồ Thị Thủy, mẹ Trâm giải thích.

Bảo Trâm gội đầu cho khách.

Theo lời kể của mẹ Trâm thì tiệm tóc này hoàn toàn do Trâm tự thành lập. Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, Trâm kiên quyết không để bố mẹ nặng lòng thêm, em tự đứng ra vay mượn bà con họ hàng  gần 13 triệu đồng và dùng phòng khách của gia đình để mở một tiệm tóc nhỏ. Đến nay, Trâm vẫn còn nợ 10 triệu đồng nhưng em rất lạc quan, " cứ tích cực làm việc và tiết kiệm thì em sẽ sớm trả hết nợ và tích cóp một số vốn để sau này cho bố mẹ dưỡng già". Trâm tâm sự.

Ý chí và nghị lực của em thật khó diễn tả bằng lời nhưng nhìn đôi mắt, vẻ mặt bừng sáng của em, tôi tin rằng Trâm sẽ làm được và làm được nhiều hơn thế. Hiện nay trung bình mỗi ngày, tiệm tóc của Trâm có khoảng từ 3-5 khách. Các khách hàng đến đây đều tỏ vẻ rất hài lòng, đây là động lực lớn để Trâm tiếp tục cố gắng, phấn đấu làm tốt hơn những gì đang có.

Quá khứ đầy gian nan

Từ lúc còn là bào thai trong bụng, bác sĩ  đã khuyên mẹ Trâm không nên giữ lại nhưng chị Thủy không nỡ. Sau bao ngày lựa chọn, chờ đợi…cuối cùng Trâm cũng chào đời cùng chị gái song sinh. Thật may mắn vì song sinh khác trứng nên chị gái Trâm được sinh ra khỏe mạnh bình thường. Còn Trâm, bác sĩ bảo em bị ảnh hưởng chất độc điôxin: chân dưới bị teo, phần khớp đầu gối không duỗi thẳng được do thừa da, thiếu gân…Dù đã chuẩn bị tinh thần trước nhưng cả gia đình vẫn không khỏi bàng hoàng. Chẳng thể làm gì khác ngoài việc bù đắp thật nhiều yêu thương cho Trâm. Cho đến ngày biết đi, Trâm lết lết mông để di chuyển. Chị Thủy nghĩ rằng sẽ không còn hi vọng nhưng vẫn muốn thử. Mỗi ngày gia đình thay nhau dìu Trâm lên, để bàn chân em chạm mặt đất; tập cho em bước bằng đôi chân của mình; rồi thấy bàn chân không có hiệu quả chị lại chuyển sang tập đầu gối. Sau hơn 2 năm kiên trì, cuối cùng Trâm đã có thể chập chững đi bằng đầu gối. Hạnh phúc vỡ òa, dù rằng có những lúc, 2 đầu gối em đỏ ửng, rớm máu.

Bảo Trâm chụp ảnh chung với Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tại Đại hội Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam nhiệm kì 2010-2015.

 

Rồi khi Trâm đến tuổi tới trường, chị Thủy lại đăng kí cho Trâm theo học tại các trường học bình thường vì Trâm không thích học trường chuyên biệt. 9 năm theo học là 9 năm mẹ Trâm đưa đón, cõng Trâm qua các bậc cầu thang đến lớp. Dù thiệt thòi so với chúng bạn, nhưng Trâm rất sáng dạ, thông minh và chịu khó; suốt 9 năm liền, Trâm luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, luôn năng nổ trong các hoạt động văn nghệ, ngoại khóa…được thầy cô, bạn bè thương yêu, quí mến và cảm phục. Sau khi học hết lớp 9, tình trạng sức khỏe không cho phép, Trâm phải gác lại ước mơ làm giáo viên của mình.

Từ đó, có lúc Trâm đã rơi vào trạng thái tiếc nuối, hụt hẫng và mất phương hướng nhưng cũng từ nghị lực phi thường của chính mình, Trâm đã vượt qua. Ngày em mở lời xin bố mẹ đi làm thuê ở tiệm tóc, cả nhà giật mình và kiên quyết phản đối. Nhưng rồi không thể khuất phục được Trâm, chị Thủy lại dẫn con đến tiệm tóc để em thực hiện khát vọng trở thành người có ích. Buổi đầu loay hoay, lúc va chân ghế, lúc làm đổ dầu, lúc sơn loang ra cả bàn tay khách…nhưng chưa bao giờ Trâm có ý nghĩ từ bỏ. Còn nhớ lần đầu tiên được nhận lương với 700.000 đồng, Trâm đã đưa tiền cho mẹ mua gạo và dẫn mẹ đi ăn mừng. Ngày qua tháng lại, Trâm đã làm thuê ròng rã suốt 8 năm trời. Cho đến hôm nay, Trâm đã đứng vững với tay nghề thành thạo, trở thành chủ tiệm tóc của riêng mình. Nhìn con, chị Thủy không cầm được nước mắt và thầm cảm ơn ông trời ngày ấy đã để chị quyết định giữ lại Trâm- một người con thông minh, giàu nghị lực và hiếu thảo.

Chia tay Trâm giữa lúc em vẫn còn bận sơn móng tay cho khách, tôi đứng lặng hồi lâu và cảm thấy mình thật nhỏ bé trước nghị lực phi thường của cô gái nhỏ này. Và Trâm đã nhắn nhủ rằng: " Các bạn ơi, số phận đã không mỉm cười với chúng ta, cơ thể chúng ta không có được sự toàn vẹn như bao người, nhưng điều đó thật sự không quan trọng. Cái quan trọng nhất vẫn là niềm tin và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống để trở thành người có ích". ( Trích bài viết của Bảo Trâm đăng trên Kỉ yếu Hội nghị biểu dương người tàn tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ III). 

Các bài viết khác

Đang online: 1
Tổng truy cập: 319780