CÁC HOẠT ĐỘNG KHÁC

Người gieo chữ yêu thương

Trên địa bàn quận Liên Chiểu vẫn còn những người dân vì điều kiện mưu sinh lam lũ, từ lâu đã không biết mặt chữ tròn méo thế nào. Hay những em học sinh bệnh tật, có hoàn cảnh đặc biệt không thể theo học ở những lớp học bình thường.... Cảm thông, chia sẻ với những hoàn cảnh ấy, những người cô người thầy đến từ các trường học trên địa bàn và cả những người mặc dù không phải là giáo viên vẫn ngày ngày tình nguyện đứng lớp, gieo con chữ yêu thương đến những mảnh đời khó khăn.

Một buổi học ở lớp học xóa mù 

 

        Nhiều năm nay, cứ vào 19h tối thứ 2, thứ 4, thứ 6 hàng tuần, hơn chục học sinh với nhiều độ tuổi khác nhau, nhỏ nhất 13 tuổi, lớn nhất đã gần 60, trong đó có người đã lên chức ông, bà, vẫn nhiệt tình rủ nhau theo học lớp xoá mù chữ ở nhà sinh hoạt cộng đồng văn hóa biển Kim Liên. Những mái đầu bạc bên mái đầu xanh chụm đầu, cùng nhau ê a đọc từng con chữ trên bảng đen, cặm cụi uốn từng nét chữ cho thẳng, phát âm từng con chữ cho rõ... Những bàn tay chai sạn, bao lâu nay chỉ quen cầm cày, cuốc, đan lưới,… nay tập trung cao độ viết từng nét chữ trên trang giấy trắng dưới sự chỉ dẫn tận tình của cô giáo trẻ Lê Thị Kim Hoa – giáo viên trường Tiểu học Trần Bình Trọng. Tình nguyện tham gia giảng dạy tại lớp học đặc biệt này gần một năm nay, cô giáo Kim Hoa chia sẻ: tuy điều kiện học còn gặp nhiều khó khăn nhưng khi nhìn bà con nắn nót từng chữ, nghe bà con đọc rõ ràng từng từ, cô giáo trẻ càng có thêm động lực để gắn bó với lớp học.

        Với mong muốn tạo điều kiện để các em học sinh nghèo trong khu vực có môi trường nâng cao kiến thức trong dịp nghỉ hè, bắt đầu từ mùa hè năm 2013, chi hội Từ thiện tổ 33 phường Hòa Khánh Bắc tổ chức lớp học hè tình thương. Cô Hồ Thị Mỵ - giáo viên trường Tiểu học Hồng Quang cùng 2 cô giáo khác đã tình nguyện đến dạy miễn phí cho các em từ lớp 1 đến lớp 5 trong suốt 3 tháng hè. Suốt 3 năm trời, với sự nỗ lực của các cô giáo và cả chi hội, hè năm nay lớp học đã có 45 em học sinh theo học đều đặn. Dù không được hỗ trợ về kinh phí, nhưng các cô giáo không hề bỏ tiết học nào, nhiệt tình hỗ trợ học sinh.

        Bên cạnh những thầy cô ngày ngày trên bục giảng, tối tối lại tình nguyện đến giảng dạy ở những lớp học đặc biệt thì vẫn có những người không chuyên môn, không nghiệp vụ sư phạm, không giáo trình, họ có thể là những cán bộ hội đoàn thể địa phương, là anh bộ đội biên phòng,… nhưng có chung tâm huyết truyền con chữ đến với những người cần nó. Năm 2010, bên bãi rác Khánh Sơn phường Hòa Khánh Nam có một lớp học đặc biệt. Học trò là những phụ nữ ngày đi nhặt rác mưu sinh, tối về đến lớp học chữ. Người khai sinh và đảm nhận lớp học ấy là chị Nguyễn Thị Ân - Nguyên Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Khánh Nam. Bà Ân chia sẻ: Ngay từ khi còn làm chi hội trưởng phụ nữ Đà Sơn, có cơ hội tiếp xúc, gần gũi với chị em. Qua đó, nhận thấy nhiều người do hoàn cảnh khó khăn không được đi học, không biết chữ. Mỗi lần đi vay vốn không biết ký, phải lăn tay, điểm chỉ. Từ lúc đó, ý định mở một lớp học dành riêng cho các chị đã nung nấu trong chị Ân và được thực hiện từ năm 2010. Đến nay chị em đã đọc, viết thông thạo mặt chữ, làm được những phép tính đơn giản.

        Còn đối với anh Doãn Hồng Quang - Đội trưởng đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Hải Vân, việc tham gia đứng lớp tại lớp xóa mù phường Hòa Hiệp Bắc vừa là nhiệm vụ chính trị, nhưng đó cũng là tâm huyết của anh lính biên phòng. Trong thời gian vận động bà con ra lớp, anh hiểu được rằng, để theo lớp đều đặn, hơn một năm nay, không có nhiều thời gian dành cho việc học, tiếp thu kiến thức chậm, dễ sinh chán nản, dẫn đến bỏ học giữa chừng. Việc vận động các học viên đặc biệt này ra lớp đã khó, duy trì sỉ số lớp học càng khó gấp bội.

        Sau những giờ vất vả mưu sinh, hàng đêm, những "học sinh" ở đây gác bỏ mọi lo toan của những chuyến bốc vác hàng ga xe lửa, gác những mặn mòi của chuyến đi biển đánh cá, gác những ồn ào nơi chợ búa, những giờ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nơi đồng ruộng,... tất cả cùng vui vẻ, chăm chú học tập dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của những người thầy, người cô tâm huyết. Cứ thế, niềm vui thích, sự tiến bộ của các học viên đã trở thành động lực để các thầy cô giáo chuyên và không chuyên nỗ lực hơn nữa trên hành trình gieo chữ yêu thương của mình.

Các bài viết khác

Đang online: 1
Tổng truy cập: 320728